Saturday 9 May 2020

FFMI - Thước đo chuẩn mực nhất cho người tập thể hình

FFMI - Thước đo chuẩn mực nhất cho người tập thể hình



Nhân dịp vừa rồi loanh quanh trên mạng thấy có một số nơi đưa ra chủ đề khá thú vị về việc làm thế nào để so sánh độ phát triển cơ bắp giữa hai người có chiều cao khác nhau, xét thấy chủ đề này khá giống với một thước đo trước đây mà Page đã đề cập, đó là làm sao so sánh trình độ sức mạnh giữa hai người không cùng cân nặng ( http://www.lift.net/wilks-calculator/ ) nên mình quyết định viết thêm bài chia sẻ này với hai mục đích chính:
1. Cơ sở để đánh giá một cách tương đối một vđv có sử dụng steroid hay không.
2. Đưa ra một cơ sở giúp so sánh một cách tương đối về độ phát triển cơ bắp giữa hai cá thể khác nhau về chiều cao.

Lưu ý:
Bài viết này chỉ mang tính chất gợi ý, tham khảo, và đánh giá riêng của tác giả về vấn đề được thảo luận, bào viết này không mang tính chất tư vấn cho bất kỳ trường hợp cụ thể của từng cá nhân nào.
Bài viết này sử dụng nguồn tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau và được liệt kê ở phía cuối bài.

Mở đầu
Để đánh giá một người hiện đang thừa cân, thiếu ký hay béo phì, nếu các bạn có dịp đi Khám sức khỏe tổng quát hoặc chí ít cũng quan tâm sơ sơ về vấn đề sức khỏe cân nặng, chắc hẳn cũng không lạ gì với các chỉ số Đánh giá cân nặng cơ thể trong đó nổi bật là chỉ số BMI
Chỉ số BMI của mỗi người được tính dựa trên chiều cao và cân nặng của người ấy.
Một người được coi như là có cân nặng bình thường khi có chỉ số cân nặng rơi vào khoảng 18.5 cho đến 25, Thừa cân khi chỉ số từ 25 – 30, và là béo phí nếu chỉ số BMI lớn hơn 30, các bạn có thể tham khảo hình minh họa sau đây để rõ hơn:


Tuy nhiên, mặc dù chỉ số BMI rất hữu dụng trong đa số các tình huống, nhưng chỉ số này lại có một hạn chế là: không tính tới yếu tố cấu tạo cơ thể.

Do tính chất đại trà và áp dụng đại chúng, nên chỉ số BMI không tính tới sự khác biệt giữa cân nặng của chất béo và cân nặng của cơ bắp, điều này khiến cho chỉ số này hoàn toàn không chính xác trong việc đánh giá đối với các vận động viên hoặc bất kỳ ai có lượng cơ bắp tương đối lớn so với người bình thường không luyện tập.

Vì lý do đó, chỉ số Fat Free Mass Index (FFMI) ra đời…
Không như BMI, FFMI là một công cụ phù hợp hơn so với BMI trong việc đánh giá sự phát triển và tiềm năng của một vđv do Chỉ số này đưa thêm yếu tố lượng mỡ trong cơ thể vào trong công thức tính.
Chỉ số FFMI được tính dựa trên Lượng Nạc (Fat free mass) tính bằng kg, chia cho bình phương chiều cao cơ thể tính bằng meter.
Để cho bạn đọc đỡ tốn thời gian trong việc xác lập công thức, các bạn có thể truy cập http://www.naturalphysiques.com/28/fat-free-mass-index-ffmi , để có thể tự tính chỉ số FFMI của mình.

Vậy FFMI có thể được sử dụng để làm gì?

1.  Cơ sở để đánh giá một cách tương đối một vđv có sử dụng steroid hay không.

Về cơ bản, FFMI là một trong những công cụ dự đoán tổng lượng cơ nạc (Lean muscle mass) mà một cá thể có thể phát triển được.
Một điều thú vị là, đây cũng là một công cụ hữu hiệu để xác định xem một vđv hoặc một người nào đó có sử dụng steroid hay không.
Điều này được một nghiên cứu năm 1995 thực hiện bởi các tác giả Kouri, Elena M. Ph.D.; Pope, Harrison G. Jr. M.D.; Katz, David L. M.D., J.D.; Oliva, Paul B.A. và đăng tải trên tạp chí Clinical Journal of Sport Medicine.

Tóm tắt nội dung nghiên cứu này như sau:
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 1995, trên 156 đàn ông, tất cả những người này đều là vđv thể hình ở các trình độ khác nhau. Khoảng phân nửa số này là những vđv không sử dụng steroid, và số còn lại là những vđv có ít nhiều sử dụng steroid.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, nhóm vđv không sử dụng steroid có chỉ số FFMI trung bình rơi vào khoảng 21.8 trong khi nhóm sử dụng steroid FFMI trung bình là 24.8.
Đáng chú ý là, trong nhóm không sử dụng steroid thì người có chỉ số FFMI cao nhất là 25, trong khi có đáng kể các vđv trong nhóm sử dụng steroid có FFMI vượt ngưỡng 30.
Để khán giả có thể dễ dàng hình dung hơn, các tác giả đã so sánh chỉ số FFMI của 20 Mr America trong giai đoạn tiền steroid (1939 – 1959), kết quả chỉ số FFMI trung bình của những vđv này là 25.4.
Ngay cả Mr. America – những người có thể hình vượt ngưỡng giới hạn của một người bình thường có chỉ số FFMI cũng chỉ hơi cao hơn so với chỉ số FFMI trung bình của nhóm sử dụng steroid.


Từ trên, ta có thể đi đến một kết luận khá chắc chắn rằng nếu các bạn theo đuổi bộ môn thể hình một cách tự nhiên, không sử dụng steroid thì mức FFMI 25 là mức tối đa mà hầu hết chúng ta có thể đạt được.

Tham chiếu chỉ số FFMI:
  • 16-17: Yếu
  • 18-19: Trung bình
  • 20: Trung bình khá
  • 21: Khá
  • 22: Tốt
  • 23-25: Tốt hơn phần lớn người nam bình thường trên thế giới và 85-95% những người thi đấu bodybuilding không dùng roid nằm trong số này.
  • 26-27: Phần lớn người nằm trong mức này là dùng roid, nhưng nếu có gen siêu tốt thì vẫn đạt được.
  • 28+ : Chắc chắn là dùng roid.
Nếu như một người nam cao 1m8, tỉ lệ mỡ cơ thể tầm 8%, và có chỉ số FFMI là 24.5 thì người đó sẽ nặng tầm 190 lbs (85 – 86kg), có thể chênh lệch 1-2 kg tùy vào lượng nước cơ thể thay đổi.

Trên thực tế, chỉ số FFMI 21-23 là hoàn toàn khả thi đối với đa số người tập luyện, và bạn sẽ trông rất cơ bắp.

Ngược lại, nếu bạn thấy ai đó nặng 100kg, tỉ lệ mỡ dưới 10%, và cao tầm 1m78, thì bạn có thể chắc chắn 100% rằng anh ta phải sử dụng khá nhiều thứ khác, ngoài whey và creatine.
Mức độ cơ bắp như trên không thể dễ dàng đạt được đối với một vđv mà không có sự hỗ trợ của đủ loại hóa chất, và chỉ số FFMI rất hữu hiệu trong việc phân biệt một vđv " tự nhiên " với những vđv có sử dụng thêm một chút hóa chất hỗ trợ.

2.  Đưa ra một cơ sở giúp so sánh một cách tương đối về độ phát triển cơ bắp giữa hai cá thể khác nhau về chiều cao.

Ngoài ra, một công dụng khác của FFMI mà các bạn có thể ứng dụng khác đó là so sánh độ phát triển cơ bắp giữa hai cá thể có chiều cao khác nhau. Tương tự với trường hợp sử dụng chỉ số Wilks Points để so sánh trình độ sức khỏe giữa hai cá thê có cân nặng khác nhau, FFMI là một công cụ rất hữu hiệu trong việc so sánh độ phát triển cơ bắp giữa hai cá thể có chiều cao khác nhau.

Ví dụ:
 
Vđv Nguyễn Văn Lâm của Việt Nam, sở trường của anh là hạng cân từ 65-70kg, với chiều cao vào khoảng 1m6 khi lên sàn, bằng cách quan sát có thể giả định rằng tỉ lệ mỡ của vđv này vào khoảng tầm 3%, trong điều kiện nước cơ thể thấp thì khi ráp vào công thức ở trên ta  có chỉ số FFMI của anh là 25.2.
 
Nếu so trường hợp của vđv này với một vđv fitness tham gia thi giải physique tại Mr. Olỵmpia vừa rồi là Sadik, người có chiều cao 1m8, cân nặng tuyên bố là 184 lbs (83.5 kg) tỉ lệ mỡ tầm 6% lúc thi đấu, thì có chỉ số FFMI của anh này là 24.2.

Như thế có thể thấy vđv Nguyễn Văn Lâm có chỉ số FFMI hơn hẳn so với Sadik, và vđv này đã ở ngưỡng tối đa dành cho vđv "tự nhiên" nếu tính theo chỉ số này, và nếu như vđv này không sử dụng thêm các chất bổ sung nào khác trong suốt từ đây tới hết cuộc đời thi đấu của mình thì hạng cân anh ấy sẽ thi đấu sẽ tối ưu ở xung quanh ngưỡng 65-70 kg.

Tương tự như vậy, các bạn có thể ứng dụng để so sánh giữa các vđv khác hoặc những người khác mà mình biết.

Lưu ý:
Chỉ số này chỉ nói lên mức độ phát triển của cơ bắp, còn các yếu tố ảnh hưởng tới “vẻ đẹp” của cơ bắp phụ thuộc nhiều và genetic và cách thức luyện tập của từng cá nhân, cũng như condition (độ khô) của người đó.
Thường thì ở cùng mức cân nặng và chiều cao, người nào “khô” hơn thì khi mặc đồ trong sẽ có vẻ nhỏ hơn, nhưng khi lên sàn thì sẽ trông áp đảo so với người có tỉ lệ mỡ cao hơn 2% trở lên.

Tóm lại, công thức này cho chúng ta cái nhìn khái quát nhất về khả năng phát triển cơ bắp, trình độ, cũng như tiềm năng phát triển của một người tham gia tập luyện, dựa trên công thức này có thể giúp người tập ước đoán được tiềm năng phát triển của bản thân và từ đó có những điều chỉnh chương trình luyện tập cho phù hợp hơn.
Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà tự đặt ra cho mình những giới hạn, có thể biết đâu, bạn lại là một Ronnie Coleman thứ hai thì sao…”Keep trying”.

Nguồn tài liệu tham khảo:
 1.  Fat-free mass index in users and nonusers of anabolic-androgenic steroids từ tạp chí Clinical Journal of Sport Medicine, do tác giả Kouri, Elena M. Ph.D.; Pope, Harrison G. Jr. M.D.; Katz, David L. M.D., J.D.; Oliva, Paul B.A.

2.  How To Use FFMI To Determine Your Potential được viết bởi Chris Muir

Được viết bởi cộng tác viên Novice Strength, edit bởi ad Ryu.

0 nhận xét:

Post a Comment